Chức năng của gan là gì? 90% chúng ta chưa hiểu hết về bộ phận này
15/06/2022
Gan là cơ quan quan trọng của cơ thể, điều này ai cũng biết. Tuy nhiên, chúng quan trọng như thế nào, chức năng của gan ra sao thì vẫn còn nhiều người mù mờ về thông tin này. Nếu bạn đang quan tâm về vấn đề này hãy dành thời gian tham khảo bài viết dưới đây.
1. Gan là gì? Nằm ở đâu?
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể, thực hiện hơn 500 nhiệm vụ khác nhau. Đây là bộ phận duy nhất trong cơ thể có khả năng tái sinh, tự làm lành được các tổn thương.
Gan có thể nặng từ 1,44 – 1,8kg đối với nam và 1,2 – 1,4kg đối với nữ, có màu đỏ nâu, độ đàn hồi cao với kết cấu như cao su.
Cơ quan này có hình gần giống tam giác, bao gồm hai thùy, thùy phải lớn hơn và thùy trái nhỏ hơn. Bao phủ phía bên ngoài cơ quan này là một lớp mô, còn được gọi là bao Glisson. Glisson được bao phủ và củng cố thêm bởi phúc mạc – một màng hình thành nên lớp lót của khoang bụng.
2. Chức năng của gan đối với cơ thể
Gan là cơ quan đóng vai trò quan trọng đối với sự sống của con người. Cơ quan này thực hiện một số chức năng như sau:
2.1. Sản xuất mật
Có nhiều người thắc mắc gan tiết ra gì? Câu trả lời là chức năng gan là sản xuất mật. Sau khi gan bài tiết mật sẽ vận chuyển đến túi mật ở dạng cô đặc và được bơm xuống ruột non khi tiêu hóa thức ăn. Loại dịch mật này có tác dụng tiêu hóa thức ăn tan trong dầu, giúp hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể.
2.2. Hấp thu và chuyển hóa bilirubin
Bilirubin được tạo thành do quá trình phân hủy của huyết sắc tố. Chất sắt được giải phóng từ quá trình này sẽ lưu trữ trong gan hay tủy xương. Đồng thời, chúng sẽ được sử dụng với mục đích tạo ra các tế bào máu ở thế hệ tiếp theo.
2.3. Chức năng gan là gì? Hỗ trợ cục máu đông
Vitamin K chính là thành phần không thể thiếu giúp tạo ra một số chất phục vụ trong quá trình đông máu. Trong khi đó, gan là cơ quan sản xuất mật giúp hấp thu vitamin K của cơ thể. Nếu mật không được sản xuất đủ thì các yếu tố về đông máu cũng sẽ không thể được tạo ra.
2.4. Gan có chức năng lưu trữ vitamin và khoáng chất
Gan là cơ quan có chức năng lưu trữ vitamin quan trọng trong cơ thể như vitamin A, D, E, K, B12… Trong nhiều trường hợp, các vitamin này được giữ lại trong khoảng thời gian dài với mục đích dự phòng.
Ngoài ra, gan còn dự trữ huyết sắc tố dưới dạng ferritin và sẵn sàng tạo ra các tế bào hồng cầu mới. Bên cạnh đó, gan còn là nơi lưu trữ và giải phóng đồng.
2.5. Chức năng chống độc
Một trong những chức năng quan trọng của gan chính là chống độc. Đây được xem là hàng rào bảo vệ cơ thể chống lại những yếu tố xâm hại qua con đường tiêu hóa. Đồng thời, gan có tác dụng giảm độc tính và thải trừ một số chất tạo ra trong quá trình chuyển hóa của cơ thể.
Gan thực hiện chức năng chống độc dựa trên cơ chế sau:
- Cố định thải trừ: Gan giữ lại các độc tố và đào thải nguyên dạng chúng ra khỏi cơ thể qua đường mật.
- Cơ chế hóa học: Gan biến đổi các chất độc thành không độc hoặc ít độc hơn, tan trong nước để đào thải qua đường thận hoặc đường mật.
2.6. Thực hiện chức năng chuyển hóa
Với vai trò chuyển hóa, gan thực hiện những nhiệm vụ sau:
Chuyển hóa chất béo: Gan sản xuất mật giúp phá vỡ chất béo, từ đó làm cho chất béo dễ tiêu hóa hơn.
Chuyển hóa Carbohydrate: Carbohydrate được lưu trữ ở gan, tại đây chúng phân hủy thành glucose. Sau đó, sẽ được đưa vào máu nhằm mục đích duy trì lượng đường huyết bình thường. Glucose sẽ được lưu trữ dưới dạng glycogen và giải phóng bất cứ khi nào cơ thể cần.
Chuyển hóa protein: Gan thực hiện nhiệm vụ sản xuất gần 50% lượng protein trong cơ thể, trong đó có protein huyết tương. Ngoài ra, gan cũng chuyển hóa các acid amin thông qua 3 quá trình khử carboxyl, khử amin, trao đổi amin.
2.7. Gan thực hiện chức năng lọc máu
Gan có chức năng loại bỏ rất nhiều hợp chất trong máu ra khỏi cơ thể, bao gồm các hormone như aldosterone hoặc estrogen và các hợp chất từ ngoài vào cơ thể như rượu, thuốc.
2.8. Chức năng miễn dịch
Gan cũng chính là một phần thuộc hệ thống thực bào đơn nhân. Chúng chứa số lượng lớn các đại thực bào liên quan trực tiếp đến hoạt động miễn dịch cơ thể. Những tế bào này có chức năng phá hủy các tác nhân gây bệnh (như vi khuẩn), đồng thời tiêu hủy các hồng cầu già.
3. Một số bệnh lý thường gặp về gan
Gan là bộ phận đảm nhiệm nhiều chức năng trong cơ thể mà không một cơ quan hay thiết bị nhân tạo nào có thể thay thế được. Theo thời gian chức năng gan suy giảm cộng với những nhân tố có hại như ô nhiễm môi trường, hóa chất, thực phẩm bẩn, virus… khiến gan bị tổn thương và có nguy cơ mắc các bệnh như:
3.1. Bệnh sán lá gan
Bệnh lý được gây ra bởi sự xâm nhập của loại giun ký sinh được gọi là sán lá gan. Nó có thể nằm im trong gan nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm.
3.2. Viêm gan
Đây chính là tên được đặt cho nhiễm trùng gan nói chung, virus, độc tố hay phản ứng miễn dịch gây viêm gan. Nó được đặc trưng bởi tình trạng viêm nhiễm phát triển khiến tế bào gan bị tổn thương. Nhiều trường hợp, gan có thể tự chữa lành nhưng khi bệnh diễn tiến nặng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới xơ gan, suy gan.
3.3. Bệnh gan do rượu
Uống quá nhiều rượu trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng tổn thương gan. Đây cũng chính là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh xơ gan hiện nay.
3.4. Bệnh gan nhiễm mỡ
Bệnh lý xảy ra do rối loạn chuyển hóa của gan hoặc lạm dụng rượu bia. Ở bệnh gan nhiễm mỡ, chất béo sẽ tích tụ trong gan nhiều hơn mức quy định (>5% trọng lượng của gan). Nếu không phải nguyên nhân do rượu thì tình trạng này được gọi là gan nhiễm mỡ không do rượu.
3.5. Xơ gan
Đặc trưng của xơ gan là sự xuất hiện của các mô sẹo thay thế vào các tế bào gan sau quá trình gọi là xơ hóa. Tình trạng này có thể được gây ra bởi nhiều yếu tố, bao gồm độc tố, rượu, bệnh viêm gan virus. Cuối cùng, xơ hóa dẫn đến suy gan do tế bào gan bị phá hủy nghiêm trọng.
3.6. Ung thư gan
Trong các loại bệnh ung thư, ung thư gan là biến chứng cuối cùng của bệnh gan mật và bệnh lý phổ biến hiện nay. Đây cũng được xem là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam.
4. Giải pháp bảo vệ và phòng ngừa các bệnh lý về gan
Theo chuyên gia gan mật, để bảo vệ sức khỏe gan mật, mỗi người cần phải lưu ý những điều sau:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống, hạn chế lượng chất béo tiêu thụ trong khẩu phần ăn hàng ngày.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá gây tổn thương gan.
- Trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc bạn đang dùng bởi chúng có thể gây ảnh hưởng xấu đến chức năng gan.
- Dành thời gian luyện tập thể dục thể thao giúp bạn tăng cường sức đề kháng, tăng quá trình trao đổi chất trong cơ thể.
- Quan hệ tình dục an toàn bằng việc sử dụng bao cao su.
- Tiêm phòng vacxin viêm gan A và viêm gan B.
- Tuyệt đối không sử dụng chung kim tiêm, đồ dùng cá nhân với người khác.
- Trường hợp phát hiện bệnh lý gan mật, đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời.
Qua bài viết trên, chắc hẳn bạn đọc đã hiểu rõ hơn về chức năng của gan. Qua đó, giúp mọi người có thêm kiến thức để có biện pháp bảo vệ và phòng ngừa bệnh lý về gan.