Xơ gan – Dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và hướng xử lý
16/06/2022
Nhắc đến xơ gan người ta thường nghĩ ngay tới một căn bệnh nghiêm trọng, có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Nắm rõ về nguyên nhân, dấu hiệu gây bệnh có thể giúp phát hiện sớm cũng như có biện pháp phòng tránh. Dưới đây là những thông tin mà bạn có thể tham khảo.
1. Xơ gan là gì?
Xơ gan được xác định sau một quá trình xơ hóa gan bằng việc hình thành các mô sẹo. Lúc này các mô tế bào khỏe mạnh được thay bằng mô sẹo làm giảm hoặc mất hoàn toàn chức năng của gan. Xơ gan không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu mà còn có nguy cơ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
2. Các giai đoạn của xơ gan
Về cơ bản bệnh sẽ được chia thành 2 giai đoạn, tương ứng với mức độ hoạt động của gan. Đó là xơ gan còn bù và xơ gan mất bù (giai đoạn sau của xơ gan còn bù). Mỗi giai đoạn sẽ có mức độ nghiêm trọng và cách điều trị khác nhau.
YẾU TỐ | XƠ GAN CÒN BÙ | XƠ GAN MẤT BÙ |
Số lượng mô sẹo | Ít | Nhiều hoặc rất nhiều |
Khả năng gan thực hiện chức năng | Vẫn duy trì và có khả năng phục hồi | Suy giảm mạnh |
Triệu chứng | Có thể không xuất hiện | Xuất hiện rõ ràng |
Biến chứng | Ít | Nhiều |
3. Dấu hiệu xơ gan
Bệnh diễn biến âm thầm, giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng rõ ràng. Khi bệnh đã tiến triển có thể nhận diện bằng các dấu hiệu sau:
– Chán ăn
– Buồn nôn, nôn
– Mệt mỏi
– Giảm cân đột ngột
– Nổi mẩn ngứa, mụn nhọt
– Vàng da, vàng mắt
– Lòng bàn tay đỏ hoặc trắng móng tay
– Da dễ bị bầm tím
– Phù nề tay chân
– Bụng trướng to (xơ gan cổ trướng)
4. Xơ gan có nguy hiểm không?
Như trên đã đề cập, khi mắc phải căn bệnh này, người bệnh sẽ phải đối mặt với nhiều triệu chứng gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Nghiêm trọng hơn nó còn có thể dẫn tới các biến chứng như:
– Suy dinh dưỡng: Do chức năng gan suy yếu, không thể chuyển hóa chất dinh dưỡng có trong thực phẩm để nuôi dưỡng cơ thể.
– Tăng áp tĩnh mạch cửa: Các mô sẹo tại gan làm chậm dòng chảy của máu trong gan kéo theo tăng áp lực tĩnh mạch cửa từ ruột và lá lách. Điều này cũng dẫn tới việc lá lách sưng to.
– Xuất huyết: Huyết áp cao ở các tĩnh mạch có thể gây giãn tĩnh mạch, vỡ tĩnh mạch dẫn đến chảy máu. Nếu tình trạng chảy máu không được kiểm soát do giảm protein đông máu – hệ quả từ xơ gan, sẽ dẫn đến mất quá nhiều máu và có thể đe dọa tới tính mạng.
– Bệnh não gan: Chất độc tích tụ trong cơ thể có thể theo máu lên não. Người bệnh sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, thiếu tập trung, khó thực hiện các hoạt động hàng ngày.
– Ung thư gan: Xơ gan kéo dài có thể chuyển thành ung thư gan. Đây là một tình trạng đe dọa tới tính mạng.
5. Nguyên nhân gây xơ gan
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Trong đó không loại trừ cả yếu tố bệnh lý khác.
5.1. Uống quá nhiều rượu bia
Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên căn bệnh này là việc uống quá nhiều rượu bia trong thời gian dài. Lượng lớn rượu bia khi vào cơ thể sẽ khiến gan bị quá tải. Dù đã hoạt động “hết công suất” nhưng gan vẫn không thể loại bỏ hết các độc tố. Điều này vừa khiến chức năng gan bị suy giảm, vừa khiến độc tố tích tụ trong gan gây tổn thương gan và hình thành các mô sẹo. Đây chính là lý do mà người nghiện rượu bia nặng có nguy cơ bị bệnh cao.
5.2. Tác dụng phụ của thuốc gây xơ gan
Việc sử dụng một số loại thuốc Tây trong thời gian dài cũng có thể là yếu tố gây bệnh. Đó là các loại thuốc như: Thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm, Acetaminophen… Tác dụng phụ của thuốc có thể gây ảnh hưởng xấu tới gan.
5.3. Xơ gan do mắc bệnh lý về gan
Một số bệnh lý tại gan có thể chuyển thành xơ gan như: Viêm gan tự miễn, viêm gan virus, gan nhiễm mỡ không do rượu… Do đó, những người mắc phải các căn bệnh này cần lưu ý đề phòng.
– Viêm gan do virus như viêm gan A, B, C, D xảy ra do virus xâm nhập vào cơ thể. Virus sẽ phá hủy tế bào gan, gây tổn thương tại gan.
– Viêm gan tự miễn: Là tình trạng viêm nhiễm trong gan do hệ miễn dịch tấn công nhầm tế bào gan.
– Gan nhiễm mỡ không do rượu: Đây là tình trạng hàm lượng chất béo tích tụ trong gan vượt quá mức cho phép. Nhưng nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ không phải là do sử dụng quá nhiều rượu bia gây nên. Béo phì làm gia tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.
5.3. Mắc các bệnh lý khác
Không chỉ riêng các bệnh lý tại gan mà một số bệnh lý khác cũng có thể gây ra tình trạng xơ gan.
– Bệnh tiểu đường: Sự rối loạn chuyển hóa đường trong máu sẽ kéo theo sự rối loạn chuyển hóa mỡ trong gan. Từ đó gây tổn thương tế bào gan, thúc đẩy quá trình hình thành mô sẹo.
– Tắc ống dẫn mật: Nếu dòng chảy của ống dẫn mật bị tắc nghẽn, nó sẽ ngăn các enzyme tiêu hóa từ gan chảy vào ruột.
– Nhiễm trùng: Một số bệnh lý do nhiễm vi trùng, ký sinh trùng gây nên cũng có thể ảnh hưởng tới chức năng gan.
6. Chẩn đoán
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân, tình trạng bệnh, bác sĩ có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây.
– Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ xem xét các dấu hiệu bên ngoài. Đồng thời, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về triệu chứng, tiền sử bệnh, thói quen sử dụng rượu bia, các loại thuốc đã và đang dùng.
– Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm gan, Chụp CT, Chụp MRI, nội soi tĩnh mạch.
– Sinh thiết gan: Dùng để đánh giá mức độ tổn thương của gan và các nguyên nhân gây bệnh.
– Thực hiện các xét nghiệm: Xét nghiệm chức năng gan, công thức máu, đông máu, xét nghiệm Albumin.
7. Điều trị xơ gan
Từng nguyên nhân gây bệnh khác nhau sẽ có phương pháp điều trị không giống nhau. Nhưng hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thay đổi chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt theo hướng khoa học. Người béo phì sẽ được đề nghị giảm cân theo lộ trình.
Nếu nguyên nhân bắt nguồn từ tình trạng nghiện rượu bia nặng, bác sĩ sẽ yêu cầu cai rượu bia. Đôi khi cần áp dụng liệu trình điều trị cai nghiện rượu bia. Đối với trường hợp do tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ sẽ xem xét tới việc đổi loại thuốc, dùng thuốc hỗ trợ.
Để điều trị bệnh gan và giảm bớt triệu chứng, một số loại thuốc có thể được chỉ định như:
– Thuốc kháng sinh
– Thuốc nhóm steroid chữa trị viêm gan
– Thuốc ức chế hoạt động của virus để trị viêm gan do virus
– Thuốc lợi tiểu kiểm soát cổ trướng
– Thuốc hạ huyết áp để giảm áp lực máu trong tĩnh mạch
Lưu ý là người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc nếu không có hướng dẫn của bác sĩ.
Đối với các bệnh lý khác, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Phẫu thuật thường là lựa chọn cuối cùng khi các phương pháp khác không hiệu quả, bệnh tiến triển nặng, nguy cơ biến chứng cao. Phẫu thuật có thể được chỉ định để giảm bớt tình trạng giãn tĩnh mạch, thay thế gan bị tổn thương quá nặng và không thể thực hiện chức năng gan…
8. Cách phòng tránh
Tuy rằng việc áp dụng các biện pháp dưới đây không loại trừ hoàn toàn khả năng mắc bệnh nhưng nó có thể hạn chế phần nào nguy cơ.
– Lựa chọn chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Bổ sung rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, uống đủ nước… Hạn chế đồ ăn quá nhiều dầu mỡ, nhiều đường, muối, hạn chế rượu bia.
– Duy trì cân nặng ở mức cho phép. Nếu thừa cân hãy giảm cân một cách khoa học.
– Phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh lý khác có thể tiến triển thành xơ gan. Hãy tiêm phòng vắc xin viêm gan. Không dùng chung vật dụng cá nhân, bơm kim tiêm. Quan hệ tình dục an toàn. Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh.
– Đặc biệt những người có nguy cơ mắc bệnh cao như nghiện rượu bia, dùng thuốc Tây kéo dài… nên tầm soát căn bệnh này.
Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo, không thay thế chỉ định điều trị chuyên khoa. Nếu nghi ngờ mình có khả năng mắc bệnh hoặc thuộc đối tượng có nguy cơ cao hãy tới cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.