Home » Gan nhiễm mỡ » Gan nhiễm mỡ – Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Gan nhiễm mỡ – Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

16/06/2022

Gan nhiễm mỡ là một trong những căn bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ tới chức năng hoạt động của gan, từ đó tác động tiêu cực tới sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, không nhiều người hiểu rõ căn bệnh này là gì, mức độ nguy hiểm ra sao và cách phòng tránh như thế nào. Hãy cùng tìm hiểu những vấn đề này ngay sau đây.

1. Gan nhiễm mỡ là bệnh gì?

Trong gan luôn tồn tại một lượng nhỏ chất béo, ở mức từ 2 – 4% trọng lượng gan. Tuy nhiên, nếu lượng chất béo này vượt quá mức cho phép (quá 5%) nó sẽ gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, căn bệnh này sẽ có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.

Gan nhiễm mỡ

2. Phân loại

Có một số cách để phân loại căn bệnh này. Tùy vào cách phân loại sẽ có các dạng khác nhau.

Phân loại theo nguyên nhân:

– Gan nhiễm mỡ do rượu: Do người bệnh uống quá nhiều bia rượu trong một thời gian.

– Gan nhiễm mỡ không do rượu: Được xác định khi người bệnh có mỡ dư thừa trong gan nhưng không có tiền sử dùng nhiều bia rượu.

Phân loại theo tổn thương mô gan:

– Gan nhiễm mỡ đơn giản: Có mỡ trong gan nhưng không gây tổn thương tế bào gan. Dạng bệnh này hiếm khi diễn biến tới mức nghiêm trọng.

– Viêm gan nhiễm mỡ: Tế bào gan bị tổn thương, viêm nhiễm. Nó có thể dẫn tới các vấn đề nghiêm trọng hơn như: Xơ gan, Ung thư gan…

Phân loại theo mức độ:

Hàm lượng mỡ trong gan càng cao thì mức độ bệnh càng nghiêm trọng.

MỨC ĐỘ HÀM LƯỢNG MỠ
Gan nhiễm mỡ độ 1 Chiếm từ 5 – 10% trọng lượng gan
Gan nhiễm mỡ độ 2 Chiếm từ 10 – 25% trọng lượng gan
Gan nhiễm mỡ độ 3 Chiếm từ 30% trọng lượng gan trở lên

Hiện nay, để đánh giá mức độ gan nhiễm mỡ có thể dựa vào chỉ số thang điểm trên máy siêu âm:

ĐỘ NHIỄM MỠ GAN S0 S1 (ĐỘ 1) S2 (ĐỘ 2) S3 (ĐỘ 3) S4 (ĐỘ 4)
Thang điểm (dB/m) 0 -100 100 – 238 238 – 260 260 – 293 >293

3. Triệu chứng gan nhiễm mỡ

Nhiều trường hợp bệnh không gây ra bất kỳ triệu chứng nào cho tới khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng. Bệnh thường được phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm chức năng gan.

Tuy nhiên, một số dấu hiệu có thể giúp người bệnh nhận biết như:

– Chán ăn.

– Cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi dù không lao động gắng sức.

– Đau hạ sườn phải

Một số triệu chứng khác chỉ xuất hiện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn xơ gan:

– Bụng sưng to

– Lòng bàn tay đỏ

– Vàng da, vàng mắt

– Nước tiểu sậm màu, phân nhạt

– Giảm cân đột ngột

– Xuất hiện các dấu sao mạch giống như mạng lưới ở dưới da

Triệu chứng gan nhiễm mỡ
Đau hạ sườn phải là một triệu chứng điển hình

4. Nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này. Trong đó có những lý do xuất phát từ chính những thói quen xấu trong sinh hoạt, dinh dưỡng hàng ngày.

4.1. Uống quá nhiều rượu bia

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến làm tăng hàm lượng mỡ dư thừa trong gan. Uống lượng lớn rượu bia khiến gan phải hoạt động quá sức để đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Lâu dần ảnh hưởng tới chức năng của gan. Rượu cũng làm biến đổi một số quá trình trao đổi chất trong gan. Từ đó thúc đẩy hình thành mỡ thừa trong gan.

4.2. Gan nhiễm mỡ do béo phì

Người có cân nặng vượt quá mức cho phép có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ cao. Bởi lượng mỡ dư thừa trong cơ thể có thể tích tụ ở bất kỳ bộ phận, cơ quan nào, trong đó có gan. Cần chú ý là người có vòng eo lớn do tích tụ mỡ tại vòng eo nhiều cũng có khả năng bị dư thừa mỡ trong gan.

Gan nhiễm mỡ do béo phì
Người béo phì có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ cao

4.3. Suy dinh dưỡng

Không chỉ có người béo phì mà cả người suy dinh dưỡng cũng có nguy cơ mắc bệnh. Bởi lúc này cơ thể không tổng hợp đủ các chất cần thiết để hòa tan, đào thải lượng mỡ thừa trong gan. Lượng đường trong máu giảm cũng khiến cơ thể không có đủ năng lượng. Điều này buộc cơ thể tăng hấp thụ mỡ.

4.4. Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt bất hợp lý

Một chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa sẽ làm tăng lượng mỡ dư thừa trong cơ thể. Chúng có thể bám vào thành mạch, tích tụ ở gan và các cơ quan khác. Thêm vào đó, thói quen ít vận động, ngồi nhiều cũng khiến cơ thể không đốt cháy được lượng mỡ thừa.

4.5. Hệ quả của quá trình lão hóa tự nhiên

Tuổi tác càng cao thì chức năng của các cơ quan kể cả gan dần suy giảm. Điều này khiến gan không đào thải được hết lượng mỡ dư thừa trong gan. Thêm vào đó, sự lão hóa của gan cũng đẩy nhanh sự tiến triển qua các giai đoạn của gan nhiễm mỡ, dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm hơn.

4.6. Mắc một số bệnh rối loạn chuyển hóa

Một số bệnh rối loạn chuyển hóa cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh bởi nó làm tăng axit béo tự do. Từ đó khiến gan không thể chuyển hóa và đào thải hết chất béo gây tích tụ. Một số căn bệnh có thể kể đến là mỡ máu cao, tiểu đường…

mỡ máu cao gây gan nhiễm mỡ
Mỡ máu cao cũng có thể là một trong những nguyên nhân

4.7. Di truyền

Dù đây không phải nguyên nhân phổ biến nhưng cũng không nên bỏ qua. Theo một số nguyên cứu, những người có người thân trong gia đình bị gan nhiễm mỡ thì có khả năng mắc bệnh cao hơn những người khác.

4.8. Gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ

Phụ nữ trong thời kỳ mang thai có thể gặp phải tình trạng này. Đây là một biến chứng thai kỳ khá nghiêm trọng dù hiếm gặp. Gan nhiễm mỡ cấp tính dạng này thường xuất hiện trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Nếu không được điều trị sớm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

4.9. Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc khi sử dụng dài ngày hoặc với liều lượng lớn có thể làm tăng tích tụ mỡ trong gan. Đây chính là lý do người bệnh cần theo dõi sát biểu hiện của cơ thể khi dùng thuốc. Và cần thông báo với bác sĩ các loại thuốc mình đang sử dụng. Một số loại thuốc có thể kể đến là: Glucocorticoid, Estrogen tổng hợp, thuốc chống ưng thư như Tamoxifen…

Ngoài các nguyên nhân kể trên, còn một số lý do gây bệnh khác như: Mắc bệnh suy tuyến giáp, suy tuyến yên, viêm gan C, cắt bỏ túi mật…

5. Gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không?

Đôi khi bệnh không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn đầu nên khó nhận biết. Việc phát hiện khi bệnh đã chuyển qua giai đoạn nặng là một trong những yếu tố khiến gan nhiễm mỡ trở nên nguy hiểm hơn. Đặc biệt, nếu bệnh không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng như:

– Tích tụ chất lỏng trong bụng khiến bụng bị sưng.

– Gây sưng tĩnh mạch thực quản. Lâu dần có thể gây vỡ tĩnh mạch, mất máu dẫn tới tử vong.

– Suy gan: Chức năng gan bị suy giảm, gây ảnh hưởng tới hoạt động của cả cơ thể.

– Xơ gan: Các mô sẹo dần thay thế các tế bào gan khỏe mạnh làm gan không thể thực hiện tốt chức năng thông thường.

– Ung thư gan: Các tế bào bất thường sinh trưởng mạnh mẽ trong gan, lấn át các tế bào gan khỏe mạnh. Ung thư gan là căn bệnh có thể đe dọa tới tính mạng.

6. Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ thu thập các dữ liệu y tế, biểu hiện lâm sàng cũng như đề nghị tiến hành các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh.

– Khám lâm sàng: Hỏi người bệnh về chế độ dinh dưỡng, tần suất sử dụng rượu bia, các loại thuốc đang dùng, tiền sử bệnh. Bác sĩ cũng sẽ xem xét và hỏi người bệnh về các dấu hiệu lâm sàng.

– Xét nghiệm máu: Kiểm tra nồng độ men gan.

– Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm gan, chụp CT, chụp MRI để xác định có mỡ trong gan hay không.

– Sinh thiết gan: Kiểm tra có tổn thương tại tế bào gan hay không. Thường phương pháp này sẽ được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị xơ gan.

7. Điều trị gan nhiễm mỡ

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cũng như tình trạng bệnh lý mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

7.1. Thuốc Tây

Hiện không có một loại thuốc đặc trị nào dành cho gan nhiễm mỡ. Một số loại thuốc hướng gan có thể được chỉ định để giảm bớt các triệu chứng, hỗ trợ giảm lượng mỡ dư thừa trong gan.

– Thuốc Choline: Bảo vệ tế bào gan, giảm tổn thương tại gan

– Thuốc Methionin: Cải thiện chức năng gan, thúc đẩy đào thải mỡ thừa tại gan

– Các loại acid amin

– Vitamin nhóm B, C, E: Hỗ trợ chức năng gan, tăng cường hòa tan chất béo trong gan.

thuốc tây trị gan nhiễm mỡ
Thuốc Methionin có thể được chỉ định

7.2. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt

Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh phải điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt. Bởi nó tác động trực tiếp tới hàm lượng mỡ trong gan. Nó cũng đặc biệt phát huy tác dụng đối với trường hợp mỡ gan nhẹ.

– Bổ sung trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt vào bữa ăn. Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhiều đường, muối…

– Cai rượu bia, đặc biệt là những người bị gan nhiễm mỡ do rượu. Đối với những trường hợp khác, việc cai rượu bia sẽ giúp gan không phải làm việc quá sức, tạo điều kiện thuận lợi để gan tự phục hồi.

– Rèn luyện thể lực đều đặn: Dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập luyện. Đây là cách hữu ích để duy trì cân nặng hợp lý cũng như hỗ trợ chức năng gan.

7.3. Giảm cân trị gan nhiễm mỡ

Đối với những trường hợp bị thừa cân, béo phì việc giảm cân là điều tiên quyết. Theo nghiên cứu, nếu giảm từ 3 – 5% trọng lượng cơ thể có thể giúp giảm mỡ trong gan. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng liệu trình giảm cân khoa học.

7.4. Phẫu thuật chữa gan nhiễm mỡ

Đây là phương pháp cuối cùng khi các phương pháp điều trị khác không phát huy tác dụng. Thường nó được chỉ định cho trường hợp bị suy gan, xơ gan rất nặng cần phải ghép gan. Một phẫu thuật hỗ trợ giảm cân cũng có thể được chỉ định với trường hợp cần phải cắt giảm lượng lớn cân nặng mà ăn kiêng và tập luyện thời gian dài không hiệu quả.

Phẫu thuật chữa gan nhiễm mỡ
Phẫu thuật thường là lựa chọn cuối cùng

8. Cách phòng tránh

Nếu bạn kiểm soát tốt một số vấn đề dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ bị gan nhiễm mỡ.

– Chỉ dùng thuốc Tây khi được kê đơn và dùng đúng liều lượng quy định.

– Phòng ngừa viêm gan C bằng vvieemcquan hệ tình dục an toàn, không dùng chung các vật dụng cá nhân…

– Hạn chế rượu bia

– Duy trì cân nặng ở mức cho phép

– Duy trì chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và rèn luyện khoa học.

– Thăm khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt đối tượng có nguy cơ cao cần tầm soát bệnh.

– Những người bị mỡ máu cao, tiểu đường phải kiên trì điều trị bệnh, tránh để bệnh chuyển biến xấu có thể tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ.

Trên đây là những thông tin cơ bản về tình trạng gan nhiễm mỡ. Hãy tới các cơ sở y tế để được xác định chính xác tình trạng bệnh ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ. Việc điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống và rèn luyện hữu ích trong việc phòng và điều trị căn bệnh này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

{Giải đáp} Gan nhiễm mỡ có uống Bổ gan Tâm Bình được không?

Gần đây, web bogantambinh liên tục nhận được thắc mắc của người bị gan nhiễm mỡ. Họ băn khoăn, không…

Gan nhiễm mỡ độ 2 nguy hiểm không? Biểu hiện và cách điều trị ra sao?

Gan nhiễm mỡ độ 2 là giai đoạn kế tiếp sau gan nhiễm mỡ độ 1. Lúc này, nếu không…

Gan nhiễm mỡ độ 1 là bệnh gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách xử trí

Gan nhiễm mỡ độ 1 là giai đoạn đầu của bệnh lý gan nhiễm mỡ. Tuy chưa ảnh hưởng nhiều…

0343446699