Home » Men gan » Men gan cao có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách phòng tránh

Men gan cao có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách phòng tránh

16/06/2022

Men gan cao gây ảnh hưởng tới sức khỏe và có thể dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng khác. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này, cách xử lý và phòng tránh ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.  

1. Men gan cao là gì?

Gan chứa nhiều enzyme phục vụ cho các phản ứng sinh hóa để thực hiện các chức năng của gan. Chúng được gọi là men gan, bao gồm: ALT, AST, GGT, ALP.

Thông thường khi tế bào gan bị phân hủy sẽ giải phóng men gan vào máu nhưng ở nồng độ cho phép. Nếu vì một lý do nào đó mà tế bào gan bị phá hủy nhiều hơn sẽ khiến nồng độ men gan trong máu tăng cao hơn mức bình thường. Thường tình trạng này sẽ được phát hiện thông qua kiểm tra máu.

Vậy chỉ số men gan thế nào là tăng? Khi chỉ số cao hơn chỉ số bình thường dưới đây thì gọi là tăng men gan:

CHỈ SỐ MEN GAN CHỈ SỐ BÌNH THƯỜNG (UI/L)
ALT 20 – 40
AST 20- 40
GGT 20 – 40
ALP 30 – 110

2. Dấu hiệu men gan cao

Nhiều người thường chỉ phát hiện ra tình trạng này khi đi khám sức khỏe tổng quát, kiểm tra máu định kỳ. Bởi các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng. Mức độ men gan tăng càng cao thì các dấu hiệu lâm sàng thường càng biểu hiện rõ.

– Mẩn ngứa: Trên da có thể xuất hiện các nốt nhỏ hồng đỏ kèm theo hiện tượng ngứa ngáy khó chịu.

– Chán ăn, buồn nôn, nôn: Cảm giác ăn không ngon miệng, không thèm ăn.

– Mệt mỏi: Cơ thể như mất sức, uể oải, không tập chung làm việc.

– Vàng da: Đây là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất. Thường sự thay đổi màu sắc rõ nhất là lòng bàn tay, gan bàn chân và lòng trắng mắt. Bởi gan không đào thải được sắc tố mật bilirubin – có màu vàng đặc trưng.

– Đau hạ sườn phải: Đây là vị trí của gan nên người bệnh có thể cảm thấy các cơn đau tại đây.

– Phân nhạt màu, nước tiểu đậm: Do tắc mật khiến bilirubin không được đào thải qua đường phân và tăng ở nước tiểu. Nên nó không thể “nhuộm vàng” phân và gây nước tiểu đậm màu. – Sốt nhẹ

Dấu hiệu men gan cao
Đau hạ sườn phải có thể là một trong các dấu hiệu nhận biết

3. Men gan cao có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm của tình trạng này còn tùy thuộc vào độ tăng của men gan. Men gan tăng thường là một dấu hiệu tạm thời. Mức độ men gan có thể trở lại bình thường nếu người bệnh tuân thủ lời khuyên của bác sĩ cho tình trạng cơ bản. Nếu nồng độ men gan tăng dưới 5 lần mức bình thường là mức độ nhẹ, chưa nguy hiểm. Từ 5 – 10 lần là mức độ trung bình và trên 10 lần là mức độ nặng.

Tuy nhiên dù ở mức độ nhẹ nếu không được phát hiện và điều chỉnh kịp thời, men gan có thể tăng ở mức độ cao hơn. Men gan tăng kéo dài có thể thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng như: Xơ gan, ung thư gan, suy gan cấp, thậm chí là tử vong.

men gan cao

4. Nguyên nhân gây tăng men gan

Tình trạng này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Đó có thể là do lối sống thiếu khoa học, tác dụng phụ của thuốc hoặc nghiêm trọng hơn là xuất phát từ các bệnh lý khác. Dưới đây là các nguyên nhân cơ bản.

4.1. Chế độ ăn thiếu khoa học gây tăng men gan

Gan đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng từ thức ăn để đi nuôi cơ thể. Do đó, việc nạp vào cơ thể các loại thực phẩm không lành mạnh sẽ ảnh hưởng lớn tới gan. Việc ăn quá nhiều thực phẩm chứa lượng lớn chất bảo quản hoặc vô tình ăn phải thực phẩm bẩn, mốc, ôi thiu sẽ khiến cơ thể phải tiếp nhận một lượng độc tố nhất định. Điều này sẽ ảnh hưởng tới men gan.

4.2. Uống quá nhiều rượu bia

Uống lượng bia rượu lớn trong thời gian dài cũng là một trong những lý do phổ biến. Bởi gan sẽ phải làm việc với cường độ cao, dẫn đến quá tải để đào thải độc tố trong bia rượu. Từ đó dẫn tới tăng men gan.

Uống quá nhiều rượu bia gây tăng men gan
Uống quá nhiều rượu bia cũng có thể gây tăng men gan

4.3. Tăng men gan do tác dụng phụ của thuốc

Nếu đang sử dụng một số loại thuốc được liệt kê dưới đây thì rất có thể bạn sẽ bị tăng men gan. Bởi song hành với khả năng điều trị bệnh, chúng còn có thể gây tác dụng phụ. Các thuốc có thể kể đến là: Thuốc kháng sinh, Acetaminophen, Statin…

4.4. Bệnh lý về gan gây tăng men gan

Câu trả lời đầu tiên cho men gan cao là bệnh gì phải kể tới các bệnh lý về gan. Tăng chỉ số men gan trong máu là dấu hiệu cho thấy gan đang bị tổn thương. Một số bệnh lý tại gan là lý giải hợp lý cho tình trạng này, đó là: Viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan…

– Gan nhiễm mỡ là tình trạng hàm lượng chất béo tích tụ trong gan vượt quá mức cho phép.

– Viêm gan tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch nhận diện nhầm tế bào gan là “kẻ địch” cần tiêu diệt. Nó có thể đi kèm với các rối loạn tự miễn khác hoặc xuất hiện độc lập.

– Viêm gan xảy ra do virus (bao gồm virus viêm gan A, B, C…) xâm nhập vào cơ thể. Chúng sẽ phá hủy tế bào gan, làm tăng đột ngột nồng độ enzyme gan phát tán vào trong máu.

Xơ gan là giai đoạn muộn của quá trình xơ hóa trong gan. Các chất xơ được tạo ra càng nhiều sẽ làm thay đổi cấu trúc gan, hình thành u cục trong nhu mô gan.

– Ung thư gan: Là sự gia tăng không kiểm soát của các tế bào bất thường trong gan. Đây là căn bệnh đe dọa tới tính mạng.

Bệnh lý về gan gây tăng men gan
Gan nhiễm mỡ cũng có thể làm tăng men gan

4.5. Bệnh lý đường mật

Do mật và gan có mối liên hệ mật thiết nên các bệnh lý liên quan tới mật cũng làm ảnh hưởng tới gan, trong đó có việc làm tăng nồng độ men gan. Các bệnh lý đường mật có thể kể tới là hẹp ống dẫn mật, sỏi mật, u đường mật…

4.6. Một số bệnh lý khác khiến men gan cao

Ngoài các bệnh lý đường tiêu hóa kể trên, một số bệnh lý ở cơ quan khác cũng có thể là nguyên nhân. Bởi chúng ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa tế bào gan.

– Sốt rét: Bệnh do ký sinh trùng sốt rét gây ra. Nó cũng gây tổn thương tế bào gan, thận, đặc biệt là sốt rét ác tính.

– Bệnh tim mạch: Một số bệnh lý về tim mạch có thể đẩy lượng enzyme gan trong máu tang cao. Đó là: Suy tim

– Rối loạn chất sắt: Nạp vào cơ thể quá nhiều chất sắt có thể gây rối loạn chất sắt. Từ đó dẫn tới tăng men gan, đặc biệt là AST và ALT.

– Bệnh tiểu đường: Người bị đái tháo đường lâu năm có thể bị tăng men gan. Bởi rối loạn chuyển hóa glucose có thể kéo theo rối loạn chuyển hóa chất béo. Chất béo tích tụ trong gan sẽ làm chức năng gan suy giảm từ đó gây tăng men gan.

bệnh tiểu đường khiến men gan cao
Bệnh tiểu đường làm tăng men gan

5. Điều trị men gan cao

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị thích hợp. Nếu tình trạng này xuất phát từ chế độ dinh dưỡng thì việc điều chỉnh lại thực đơn hàng ngày sẽ tạo chuyển biến tốt. Nếu là do uống rượu bia quá độ thì người bệnh cần hạn chế rượu bia. Với trường hợp tăng men gan do tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ có thể xem xét đổi liều, đổi loại thuốc hoặc sử dụng thêm các thuốc hỗ trợ.

Các trường hợp bệnh lý có thể được chỉ định thuốc Tây như: Thuốc kháng virus trị viêm gan do virus, thuốc giảm đau chống viêm, thuốc hướng gan… Lưu ý là người bệnh chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, đối với các trường hợp nghiêm trọng hoặc cấp cứu có thể cần phải phẫu thuật.

6. Cách phòng tránh

Việc tạo dựng một lối sống khoa học có thể phần nào hạn chế được nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là một số gợi ý:

– Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, B1, B2, B6, omega-3 để hỗ trợ chức năng gan. Chúng có trong ngũ cốc, cá béo, rau họ cải, quả mọng… Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm chứa nhiều chất bảo quản, rượu bia… Uống đủ nước.

– Cân đối giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Ngủ đúng giờ. Tránh tối đa căng thẳng.

– Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, vừa sức.

– Khám sức khỏe và kiểm tra nồng độ men gan định kỳ. Đặc biệt là đối tượng có nguy cơ bị men gan cao như: Người dùng thuốc Tây dài ngày, uống quá nhiều bia rượu, mắc các bệnh lý có liên quan.

– Tiêm phòng vắc xin ngừa viêm gan. Không dùng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải, bấm móng tay, dao cạo râu…

– Tích cực điều trị các bệnh lý có nguy cơ làm tăng men gan.

Cách phòng tránh men gan cao
Tiêm phòng vắc xin là một trong những cách phòng tránh bệnh

Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo, không thay thế chỉ định của bác sĩ. Nếu có dấu hiệu bệnh hoặc yếu tố nguy cơ, một xét nghiệm men gan là cần thiết để biết chính xác liệu bạn có bị tăng men gan hay không và mức độ bệnh. Những thay đổi tích cực trong sinh hoạt, dinh dưỡng, rèn luyện sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

{Thắc mắc} Bị men gan cao có uống TPBVSK Bổ gan Tâm Bình được không?

Hỏi: “Vì tính chất công việc thường xuyên tiếp khách nên tôi uống nhiều bia, rượu. Cũng vì thế mà…

0343446699