Nổi mề đay ăn gì kiêng gì? Gợi ý 12 loại thực phẩm, thức uống
16/06/2022
Sự ngứa ngáy khó chịu cùng tình trạng mất thẩm mỹ khi bị nổi mề đay khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Song song với việc tìm kiếm các cách điều trị hiệu quả, việc nổi mề đay ăn gì kiêng gì cũng trở thành mối bận tâm lớn. Nếu cũng có băn khoăn này hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
1. Tại sao người bị nổi mề đay cần chú ý tới chế độ ăn uống?
Nổi mề đay là tình trạng xuất hiện các nốt sần đỏ trên bề mặt da đi kèm ngứa. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể là do dị ứng thời tiết, hóa chất, dị ứng thức ăn, côn trùng cắn hoặc chức năng gan suy yếu.
Để đối phó với tình trạng này, bên cạnh các biện pháp giúp làm dịu mẩn ngứa, việc lựa chọn đúng loại đồ ăn, thức uống cũng rất cần thiết. Một số loại thực phẩm có tác dụng giảm bớt phản ứng quá mẫn của cơ thể, hỗ trợ chức năng gan. Nhờ đó, chúng sẽ giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn và giảm bớt các triệu chứng lâm sàng. Bên cạnh đó, thực đơn khoa học cũng góp phần tạo dựng một nền tảng sức khỏe tốt, tạo điều kiện thuận lợi để cơ thể tự phục hồi.
Ngược lại, nếu không chú ý mà nạp vào cơ thể một số thực phẩm không phù hợp thì triệu chứng có thể nặng thêm. Lúc này tình trạng mề đay có thể kéo dài hơn.
Vậy nổi mề đay ăn gì kiêng gì? Câu trả lời chi tiết có ngay dưới đây.
2. Nổi mề đay ăn gì?
Các loại thực phẩm phù hợp với người bị nổi mề đay là những loại có thể giúp đào thải các tác nhân gây nổi mề đay, làm dịu triệu chứng. Đồng thời cũng cần đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
2.1. Nên ăn thực phẩm giàu vitamin A
Bạn có thể tìm thấy vitamin A trong nhiều loại thực phẩm như cà chua, cà rốt, gan, cá chép… Loại vitamin này hỗ trợ kích thích quá trình tái tạo tế bào da. Nó cũng hạn chế phần nào tình trạng khô da, nứt nẻ do mề đay gây ra.
2.2. Đừng bỏ qua thực phẩm chứa nhiều vitamin B
Một trong những vitamin tốt cho làn da phải kể tới vitamin B. Bởi nó thúc đẩy làm lành vùng da bị tổn thương do nốt mề đay. Đặc biệt, vitamin B rất phù hợp với người bị nổi mề đay do chức năng gan kém vì nó hỗ trợ phục hồi chức năng gan. Sử dụng những loại thực phẩm giàu vitamin B như: Rau màu xanh đậm, gạo lứt, hạt điều, chuối, đậu đỏ…

2.3. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C
Để tăng cường đào thải độc tố, làm dịu cảm giác ngứa ngáy khó chịu bạn có thể tìm tới thực phẩm giàu vitamin C. Đó là: cam, bưởi, ổi, ớt chuông, khoai tây… Hơn nữa, loại thực phẩm này còn chống lão hóa, cấp ẩm cho da, ngăn ngừa các tác nhân gây hại từ bên ngoài.
2.4. Nổi mề đay nên ăn thực phẩm giàu quercetin
Quercetin là chất có tác dụng chống dị ứng, hỗ trợ giảm tình trạng mẩn ngứa, phát ban trên da. Nó có trong nhiều loại thực phẩm thông dụng có thể dễ dàng bắt gặp hàng ngày. Đó là: Bông cải xanh, hành tây, táo đỏ…

2.5. Đừng quên một số loại gia vị
Câu trả lời cho nổi mề đay nên ăn gì không thể quên một số loại gia vị. Chúng không chỉ gia tăng màu sắc và hương vị cho món ăn mà còn có tác dụng hỗ trợ giảm bớt triệu chứng mề đay. Đó là tỏi và nghệ. Tỏi giúp kháng khuẩn, giảm viêm sưng, tránh nhiễm trùng. Trong khi đó, nghệ chứa curcumin hỗ trợ tiêu viêm, kháng khuẩn. Từ đó, có thể hạn chế khả năng nhiễm trùng đối với các nốt mề đay.
2.6. Nổi mề đay uống gì?
Bên cạnh đồ ăn, bạn cũng cần chú ý tới các loại đồ uống bởi nó giúp làm mát cơ thể và đào thải độc tố. Ngoài việc uống đủ lượng nước lọc cần thiết, bạn có thể sử dụng một số loại đồ uống sau:
Trà hoa cúc: Nhâm nhi một tách trà hoa cúc có thể giúp thư giãn tinh thần, giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn thay vì khó ngủ do bị mẩn ngứa. Nó cũng giúp thanh lọc cơ thể, đào thải độc tố.
Nước ép hoa quả: Thay vì ăn các loại hoa quả đã nêu ở trên một cách trực tiếp, bạn có thể ép nước để uống. Đây cũng là cách để thay đổi khẩu vị cho bạn.

3. Nổi mề đay kiêng gì?
Để ngăn chặn bệnh tiến triển nặng hơn cũng như phòng biến chứng, bạn hãy tránh một số loại thực phẩm.
3.1. Hạn chế thực phẩm giàu đạm
Đạm là một trong những nguồn cung cấp dưỡng chất và năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên, khi đang bị nổi mề đay, những món ăn quá giàu đạm lại chưa chắc là lựa chọn hợp lý. Bởi khi ăn quá nhiều thực phẩm dạng này chúng sẽ truyền tín hiệu tới cơ thể làm tăng sinh histamine – một trong những chất gây phản ứng mẩn ngứa. Thực phẩm giàu protein có thể kể tới là: Thịt bò, tôm, cua…
3.2. Cân nhắc thực phẩm dễ gây dị ứng
Nổi mề đay có thể đến từ việc dị ứng thực phẩm. Do vậy, bạn hãy loại trừ tác nhân này. Trong giai đoạn này hãy cân nhắc tới việc ngừng ăn: Lạc, trứng, hải sản… Đặc biệt là đối với những người có cơ địa dị ứng với những loại thực phẩm này. Vì đây đều là những loại có thể gây ra phản ứng quá mẫn của cơ thể.

3.3. Kiêng thực phẩm chứa quá nhiều đường, muối
Thực phẩm chứa quá nhiều đường và muối khi đi vào cơ thể sẽ kích thích hệ thần kinh ngoại biên. Từ đó làm tăng cảm giác ngứa cùng các nốt mẩn đỏ. Ăn quá nhiều đường, muối cũng ảnh hưởng tới hệ miễn dịch, tác động xấu tới khả năng tự phục hồi của cơ thể.
3.4. Nổi mề đay hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ
Đồ ăn chứa quá nhiều dầu mỡ sẽ khiến hệ tiêu hóa phải hoạt động vất vả hơn. Nó gây nóng trong người, gián tiếp khiến tình trạng mẩn ngứa càng thêm trầm trọng. Hơn nữa, ăn quá nhiều loại thực phẩm này còn gây cảm giác đầy bụng, khó tiêu khiến người bệnh càng khó chịu.
3.5. Kiêng thực phẩm cay nóng
Đồ ăn sử dụng nhiều gia vị cay nóng như tiêu, sa tế, ớt… sẽ gây nóng trong người, kích thích cảm giác ngứa. Nó cũng khiến da bị khô hơn. Vì vậy, trong thời gian bị nổi mề đay bạn nên hạn chế loại thực phẩm này.
3.6. Nổi mề đay kiêng uống gì?
Một số loại đồ uống cũng nên hạn chế sử dụng trong thời điểm này. Bởi chúng có thể làm triệu chứng kéo dài hoặc tăng nặng. Đó là rượu bia, nước ngọt có ga. Rượu bia khi đi vào cơ thể sẽ khiến gan phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ độc tố. Nước ngọt có ga thường chứa lượng đường lớn có thể gây kích thích các yếu tố sinh mẩn ngứa.
4. Lưu ý từ chuyên gia
– Tham vấn ý kiến của bác sĩ điều trị, chuyên gia dinh dưỡng để lựa chọn được loại thực phẩm phù hợp.
– Cân bằng thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn. Không nên lạm dụng bất kỳ một loại thực phẩm nào.
– Ghi lại những thực phẩm đã từng gây dị ứng mẩn ngứa để tránh sử dụng. Khi mua sản phẩm chế biến sẵn hãy xem kỹ thành phần. Nên cẩn trọng với các món ăn lạ, các loại nước chấm và nước sốt hỗn hợp.
– Kết hợp giữa lựa chọn đúng loại thực phẩm với chế độ chăm sóc đặc biệt. Giữ vệ sinh thân thể. Tắm bằng nước ấm thay vì nước nóng. Sử dụng sản phẩm làm sạch dịu nhẹ, lành tính. Tránh tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, nắng gắt, nhiều lông vật nuôi, bụi gỗ, bụi kim loại… Không gãi, chà sát mạnh lên vùng da bị mẩn ngứa.
– Cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Giữ tinh thần thoải mái.
– Tập luyện thể dục thể thao đều đặn để duy trì sức khỏe tổng thể.
Những thông tin về nổi mề đay ăn gì kiêng gì hy vọng đã mang đến cho bạn những gợi ý để xây dựng bữa ăn phù hợp. Song hành cùng chế độ dinh dưỡng, người bệnh cũng cần chú ý tới chế độ sinh hoạt, rèn luyện một cách khoa học.
XEM THÊM: